22 tháng 12, 2011

Công khai là nguyên tắc an toàn của tôi

0

(Mẹ Nấm)


Còn nhớ cuối năm 2006, khi mới tập tành làm blog Yahoo 360 để viết nhật ký cho bạn Nấm, lúc chọn nickname Mẹ Nấm, tôi đã khai báo toàn bộ thông tin thật của mình trên đó. Năm 2007, lúc cả làng Y360 lao xao và bắt đầu làm quen với khái niệm CAM (quýt - bưởi), đã có rất nhiều người thay đổi thông tin thật đã khai báo trên mạng.

Năm 2008 - 2009, sau một loạt sự kiện tại Thái Hà cùng với một số bài viết của mình, nhiều người đã khuyên tôi nên thay đổi những thông tin như họ tên, tuổi tác, nghề nghiệp trên blog. Nhưng tôi không làm. Tôi có nói với bạn mình: "Việc công khai danh tính của mình, khiến mình có trách nhiệm và có thể chịu trách nhiệm về những gì mình viết, mình chia sẻ với cộng đồng".

Khi tôi bị bắt, an ninh có hỏi tôi về chuyện viết blog và chia sẻ thông tin. Tôi nhớ mình có trả lời rằng: "Tôi nghĩ, mình không có gì sai khi công khai chia sẻ quan điểm trên mạng như vậy. Những gì tôi nói, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về nó."

Những lần "được" mời trà đầu tiên, tôi có kể lại trong những entry bên blog Multiply của mình với tiêu đề "CHUYỆN HẬU CUNG". Còn nhớ trong đó, tôi đã gọi các anh là "tử thần thực tử", và các anh rất không vui về chuyện này. Sau này đã có anh đọc hẳn một quyển Harry Potter để tìm hiểu xem, cụm từ tôi ví von có ý nghĩa gì.Có anh đã hỏi: - "Tại sao phải viết những chuyện đó lên blog?"

Tôi trả lời: - "Bởi vì tôi tin mình không có gì sai cả, anh có quan điểm của anh, tôi có quan điểm của tôi. Những gì tôi tường thuật lại với thái độ nhẹ nhàng là để mọi người biết rằng, tôi - và các anh suy nghĩ như thế nào."

Phải nói rằng, ngoại trừ những lần đầu làm việc với lực lượng an ninh có những cán bộ lớn tuổi luôn to tiếng, cáu gắt và nạt nộ bất chấp việc lắng nghe ý kiến của tôi, thì phần còn lại những người khác cư xử tử tế , bình đẳng với tôi khi làm việc. Tất cả những việc này đều được viết công khai, tôi không nói xấu an ninh, và hy vọng an ninh cũng làm tương tự với tôi như vậy.

Tuy nhiên, đôi lúc đời không như là mơ, trước mặt mình mấy ảnh khác, mà sau lưng mình lại rất khác là chuyện bình thường. Tên tôi xuất hiện như một ví dụ điển hình của diễn biến hòa bình vì Hoàng Sa - Trường Sa, lại có anh an ninh mẫn cán đến tận nhà một cô dân oan nói rằng cô này cứ tiếp tục khiếu kiện đi, cô ấy đi đúng hướng rồi, cơ quan an ninh điều tra sẽ xem xét giải quyết cho gia đình cô ấy, đừng có gặp gỡ tôi, vì tôi là đảng viên của đảng Việt Tân...."

Tôi đã trao đổi thắng thắn với các anh tất cả những việc mà mình phải nghe. Thậm chí trong một lần cafe trước khi tham dự "Sự kiện truyền thông Công giáo" tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn, tôi đã thông báo rằng nếu vẫn có người mang danh công an, tiếp tục lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để đi phao tin tôi là đảng viên của đảng này, đảng kia bên ngoài, thì tôi sẽ gửi đơn khiếu nại (khiến kiện) đến ông giám đốc công an tỉnh Khánh Hòa bởi những lần trước tôi không có bằng chứng, còn lần này đã có người đứng ra làm nhân chứng cho tôi.

Có lẽ, đây là lần duy nhất tôi bày tỏ sự bực bội vì bị nói xấu bởi những người thừa hành pháp luật là đó.

Tôi nghĩ, công khai và minh bạch thông tin cũng như nội dung các buổi làm việc, để tránh khỏi những cái mũ chụp cho mình từ hai phía, như tôi đã từng bị. Thiết nghĩ đó là việc nên làm, nếu bạn có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ của bản thân mình với cộng đồng mạng.

Khi bạn công khai mình là ai, người nghe bạn nói - đọc bạn viết, họ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có niềm tin hơn. 

Khi bạn công khai những chuyện rắc rối mình gặp phải, nhiều người sẽ nhận được bài học "bất thường" từ những phản ứng bình thường trong xã hội.

Khi bạn công khai - người ta có muốn chơi xấu bạn thì họ cũng phải dè chừng.Tôi nhớ mình đã đọc trong rất nhiều quyển sách rằng: bóng tối luôn sợ ánh sáng, bưng bít luôn sợ minh bạch, và độc tài thì sợ công khai.

Đừng để những người nấp trong bóng tối có thể vu vạ cho bạn theo kiểu họ vẫn làm.
Không nên thỏa hiệp với họ bằng những biên bản không tiết lộ nội dung làm việc, bởi nếu bạn là nhân chứng trong một vụ án hay nghi án nào đó thì đây mới là chuyện cần thiết. Đằng này họ ép bạn phải im lặng thỏa hiệp với những gì họ đã đối xử với bạn chỉ vì bạn dám nghĩ, dám làm.

Đây là thời đại truyền thông với sự hỗ trợ của các hình thức truyền tin hiệu quả và nhanh nhất, vì vậy hãy để những người khác biết và chia sẻ với những gì bạn đã phải trải qua. Điều này sẽ làm bạn bớt sợ hãi và không thấy cô đơn.Nếu đã vượt qua được một lần sợ hãi, để dám nghĩ, rồi dám nói, thì cũng nên để nhiều người khác biết đến sự thật mà mỗi cá nhân đã trải qua phải không bạn tôi?

Công khai là nguyên tắc an toàn duy nhất của tôi cho đến lúc này.

Việc bạn nói và chọn thái độ khi nói, nó sẽ bảo vệ bạn khỏi những cái bẫy được giăng ra, tôi nghĩ vậy!

22/09/2011 
Mẹ Nấm

P/s: Lúc gõ xong những dòng này, thì có vài em sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Nha Trang cho hay rằng trong những tiết học chính trị gần đây, giảng viên của các em đã "răn đe" các em nên tỉnh táo ở thời đại công nghệ thông tin này rằng: "Thế hệ sinh viên trẻ rất dễ bị lợi dung, như blogger mẹ Nấm đã từng là sinh viên, bị các thế lực nước ngoài lôi kéo, gửi tiền về để dụ dỗ thực hiện mưu đồ của chúng...".  

Nực cười. 

Nhà tôi không xa trường học này mấy, có lẽ sẽ tìm vị giảng viên này mời cafe để nghe vị ấy thuyết giảng xem sao.


Nguồn: Blog Mẹ Nấm 

0 comments:

Đăng nhận xét