Các câu hỏi thường gặp về đấu tranh bất bạo động

Đấu tranh bất bạo động là gì?    

    
Trong một tiến trình đấu tranh bất bạo động, hành động đối kháng dân sự được áp dụng để thách thức quyền lực của kẻ cầm quyền, làm cho cái giá phải trả của quá trình áp bức cao hơn, và làm thuyên giảm các nguồn lực của phía cầm quyền, trong đó có các lực lượng quân đội và cảnh sát.

Có hơn 198 chiến thuật (hay phương pháp) đấu tranh bất bạo động. Nhiều hình thức bày tỏ sự phản kháng khác nhau - kháng thư, tuần hành, hình ảnh biểu ngữ hay biểu tình số lượng lớn - có thể làm suy yếu sự cầm quyền của thể chế áp bức, đồng thời giúp tuyển chọn vận dụng thành viên, huy động, và tăng cường sự tham gia góp sức của người dân vào phong trào đấu tranh bất bạo động. 

Một số hình thức bất hợp tác nhất định - như bỏ việc, từ chối thực thi mệnh lệnh, và bất tuân dân sự - cũng giúp phá vỡ thế cân bằng giữa kẻ cầm quyền và giới đấu tranh. Các hình thức bất hợp tác khác - như lãn công, đình công, tẩy chay, không đóng phí, hay thuế - có tác dụng ngưng cắt nguồn lực vật chất của thể chế cầm quyền. Các hình thức đấu tranh trực tiếp như tọa kháng, đấu tranh kinh tế có mục tiêu, hay ngưng trệ hoạt động thường lệ có thể gây áp lực hay phá vỡ trực tiếp hệ thống quản lý điều hành của thể chế cầm quyền.

Những phương thức chiến thuật này thay đổi rất nhiều về mặt thời gian hay nguồn lực cần thiết để thực thi (ví dụ như việc biểu tình chiếm cứ một tòa nhà so với việc vẽ hay treo một dấu hiệu), về mặt các rủi ro liên quan (ví dụ như việc đình công công cộng so với việc vận động người tiêu dùng tẩy chay hay đình công bằng cách ngồi nhà), về mức độ cần tập trung hay phân bổ số người ra sao (ví dụ như việc biểu tình trước tòa thị chính so với việc vận động một cộng đồng dân cư lớn không đóng thuế), hay về số lượng người cần huy động để thực hiện một kế hoạch nhất định (ví dụ việc tổ chức một cuộc tuyệt thực phản kháng so với một chiến dịch bất tuân dân sự lớn).

Các phương thức chiến thuật còn thay đổi đa dạng theo chức năng; ví dụ một số chiến thuật - như phân phát tài liệu nhằm vận dụng kết nạp nhân sự hoặc vận động gây quỹ, hay huấn luyện nhân sự cho phong trào - có tác dụng tăng cường sức mạnh cho tổ chức, trong khi đó các chiến thuật khác - như biểu tình số lượng lớn hay lãn đình công - lại có tác dụng đối diện đấu tranh trực diện với thể chế cầm quyền.

2. Đấu tranh bất bạo động có tác dụng thế nào?

Đấu tranh bất bạo động có tác dụng là làm suy giảm khả năng quyền lực của thể chế cầm quyền để ảnh hưởng tới các sự kiện cũng như khả năng lạm dụng vị trí cầm quyền của mình để quản trị xã hội và quốc gia. Việc này xảy ra khi trách nhiệm cũng như sự trung thành của các nhóm hay định chế giúp cho sự tồn tại của chế độ (như công an, cảnh sát, quân đội, truyền thông, hành chính, kinh doanh, người lao động, học sinh sinh viên, các định chế tôn giáo hay các thành phần khác), là những yếu tố và chế độ dựa vào, bị suy giảm hay thậm chí sụp đổ. Các thành phần nói trên có thể thay đổi vận động vào các vị trí trung lập trong tương quan tới phong trào đấu tranh hoặc thậm chí chủ động tham gia hỗ trợ cho phong trào để đối lại với những chính sách hay luật lệ sai trái của thể chế cầm quyền.

Khi các nhóm đối kháng trong một xã hội bắt đầu có khả năng thống nhất kết hợp lại với nhau, để hình thành một phong trào đấu tranh bất bạo động, nhằm xây dựng một chiến lược hoạt động và định ra các mục tiêu đấu tranh căn cứ vào những phân tích chính xác dựa trên tình hình thực tế, đồng thời tổ chức thực thi các hoạt động để nhằm thay đổi hay xoay chuyển sự trung thành và cơ chế hoạt động của các thành phần hỗ trợ chế độ, thì chế độ mất đi khả năng cầm quyền và do đó quyền lực được chuyển vào tay nhân dân.

3. Đấu tranh bất bạo động khác với “bất bạo động” đơn thuần hay đối kháng thụ động như thế nào?

"Bất bạo động" đơn thuần thông thường là một sự lựa chọn đạo đức. Trong khi đó, đấu tranh bất bạo động thì lại là một lựa chọn mang tính thực tế. Đấu tranh bất bạo động là lựa chọn dựa trên lực lượng và sức mạnh - tổ chức hóa và áp dụng vào công cuộc đấu tranh để giành được các quyền lợi hay các quyền chính trị, quyền kinh tế và các mục tiêu xã hội khác. Nhiều người từng sử dụng đấu tranh bất bạo động trong quá khứ để giành các quyền của mình vì họ nhìn nhận rằng các biện pháp bạo động hay vũ trang đã không hiệu quả hay cũng vì thực tế là họ không có khả năng sở hữu các phương tiện hay vũ khí để thực hiện một cuộc đấu tranh vũ trang.

Khi một phong trào đấu tranh bất bạo động kiên quyết theo đuổi được chiến lược đoàn kết con người và huy động họ hành động, tập trung vào việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong khi làm thuyên giảm sự trung thành và hợp tác của các thành phần hỗ trợ cho chế độ - đặc biệt là sự trung thành của cảnh sát, công an và quân đội - thì phong trào có khả năng thu được quyền lực có thể thực hiện thay đổi mang tính quyết định. Hoàn toàn không có gì là thụ động khi tận dụng những sức mạnh như vậy. Gandhi cho rằng đấu tranh bất bạo động lại là “sức mạnh lớn và chủ động nhất trong thế giới.”

4. Đấu tranh bất bạo động có thể đối lại với các chế độ chuyên chế bạo ngược hay trong các xã hội bị áp chế nặng nề hay không?

Nhiều thể chế bạo quyền ghê gớm nhất trong thế kỷ 20 đã bị phá bỏ thông qua các cuộc đấu tranh bất bạo động.

Tại Chile, Tướng Augusto Pinochet là kẻ đã cho tra tấn và thủ tiêu hàng ngàn nhà đối kháng, nhưng phong trào đấu tranh bất bạo động tại đây đã thực hiện được việc lật đổ ông ta.

Chế độ phân biệt chủng tộ Apartheid tại Nam Phi trước đây từng ra luật cấm việc hội họp của người da đen thậm chí đe dọa, và thực tế đã thực hiện thủ tiêu các nhà vận động tổ chức đấu tranh, nhưng rốt cục cuộc đấu tranh bất bạo động của người da đen bản địa tại đây vẫn đã có được khả năng phá vỡ các quyền lực nội bộ cũng như các hỗ trợ quốc tế đối với thể chế này.

Tại Philippines, hơn 70 công nhân đấu tranh đã bị giết hại trước cuộc bầu cử năm 1986, nhưng dù vậy người dân vẫn thành công trong việc tổ chức lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos không lâu sau đó bằng các phương thức bất bạo động mang tên quyền lực nhân dân.

Và phong trào công đoàn Đoàn kết (Solidarity) của Ba Lan đã mở ra không gian hoạt động cho giới đối kháng, khi mà trước đó chế độ chính trị tại đây rất ngột ngạt, đặc biệt khi chế độ Cộng sản áp dụng thiết quân luật.

Một trong các lý do cơ bản mà những cuộc đấu tranh bất bạo động nói trên cũng như tại những nơi khác đã thành công trước chế độ áp bức là vì họ đã tác động được vào và làm thay đổi sự hỗ trợ của các cột trụ chính trong xã hội – bao gồm cả các lực lượng an ninh - vốn là những thành phần nâng đỡ cho chế độ cầm quyền. Một khi phong trào đấu tranh bất bạo động bắt đầu có được khả năng xoay chuyển những cột trụ như vậy, thì xã hội sẽ ở trong tình trạng mà chế độ không còn có thể cai trị được nữa, và do đó dẫn đến sự thay đổi lãnh đạo hay thể chế.

Những người không hiểu được phương thức vận hành nói trên của đấu tranh bất bạo động thường phủ nhận những thành tựu mà phương pháp này đã và đang đem lại - nhưng ngược lại, hàng triệu triệu người vốn nay không còn phải sống dưới các chế độ toàn trị nữa do bị lật đổ bởi các chiến lược bất bạo động - thì sẽ không đồng tình với những người còn nghi ngờ ở trên.

5. Các phong trào đấu tranh bất bạo động lớn hiện nay đang xảy ra ở đâu trên thế giới?

Hiện có nhiều phong trào đang diễn ra trên thế giới, ví dụ như các nhóm đấu tranh đòi quyền dân sự tại các quốc gia như Azerbaijan, Belarus, Miến Điện, Colombia, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Honduras, Iran, The Gambia, Việt Nam. Tại các nơi như Tây Tạng, Tây Papua, Tây Sahara hay Palestine, một số nhóm cũng đang đấu tranh theo hình thức bất bạo động cho các mục tiêu dân tộc.

6. Đấu tranh bất bạo động có xảy ra thường xuyên trong lịch sử hay không?

Đấu tranh bất bạo động xảy ra trong lịch sử thường xuyên hơn người ta hay nghĩ.

Anh Quốc đã phải từ bỏ chế độ cai trị thuộc địa đối với Ấn Độ sau một cuộc đấu tranh bất bạo động trường kỳ kéo dài hàng thập niên do Thánh Gandhi lãnh đạo.

Người dân Đan Mạch cũng như một số nước khác ở Châu Âu đã áp dụng phương pháp đối đầu dân sự đối với chế độ quản trị Đức Quốc xã trong thời Thế chiến II, gây khó khăn cho việc chiếm đóng cai trị, đồng thời củng cố tinh thần đấu tranh và sự đoàn kết, trong lúc phần nào cứu giúp được hàng ngàn sinh mạng người Do Thái tại Berlin, Đan Mạch, Bulgaria và những nơi khác.

Người Mỹ da đen đã áp dụng phương thức bất bạo động cho cuộc đấu tranh của mình chống lại tình trạng phân biệt màu da tại Hoa Kỳ trong những năm 60.

Công nhân Ba Lan đã thực hiện các cuộc đình công hồi những năm 80 và giành được quyền thành lập công đoàn độc lập - là thắng lợi to lớn trong một đất nước bị Cộng sản cai trị khi mà hàng triệu binh sĩ Liên Xô vẫn còn đồn trú tại đây.

Hai nhà độ tài Marcos tại Philippines và Pinochet tại Chile bị hạ bệ bởi các phong trào bất bạo động hồi những năm 80.

Phong trào đòi xóa bỏ tệ phân biệt chủng tộc Apartheid tại Nam Phi đã áp dụng các hình thức tẩy chay cũng như bất hợp tác khác để làm suy yếu chính quyền da trắng, đưa chính quyền này vào thế phải thương lượng với phía đối kháng về tương lai thể chế chính trị của đất nước.

Vào cuối những năm 1980, người dân Đông Âu và Mông Cổ đã tổ chức được các cuộc biểu tình chống đối dân sự một cách hiệu quả gây sức ép to lớn tới các chế độ Cộng sản, kết quả là xóa bỏ được sự độc quyền cai trị của họ.

Năm 2000, người Séc-bia lật đổ được Slobodan Milosevic, sau khi phong trào đấu tranh bất bạo động vận dụng được sự hỗ trợ của công an và quân đội, qua đó phá vỡ được các cột trụ chống đỡ chế độ độc tài khi đó.

Năm 2002, nhân dân tại đảo quốc Madagascar đã đoàn kết với nhau trong tinh thần bất bạo động để bảo vệ kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại đây.

Năm 2003, người dân Gru-dia thực hiệc các hành động bất bạo động để phơi bày các gian lận bầu cử, qua đó đòi thực hiện đúng kết quả bầu cử, năm 2004 người dân Ukraina cũng làm được việc tương tự.

Năm 2005, người dân Li-băng thực hiệc các hành động bất bạo động để xóa bỏ chế độ quân quản của Syria tại đây.

Năm 2006, người Nê-pan thực hiệc các hành động bất bạo động để phục hồi lại thể chế dân chủ tại nước mình.

7. Các chính phủ có tính đến ảnh hưởng của những cuộc cách mạng bất bạo động trong các chính sách của mình hay không?

Thường các chính phủ không tính đến ảnh hưởng của các cuộc cách mạng bất bạo động vào những chính sách của mình.

Hồi đầu và giữa những năm 1990, Chính phủ Hoa Kỳ dự tính dựa nặng vào các giải pháp ngoại giao để ngăn chặn việc Slobodan Milosevic can thiệp vào Bosnia. Nhưng cùng lúc đó Hoa Kỳ lại từ chối hỗ trợ cho các tổ chức đối kháng chính trị người Séc-bia vốn đòi dân chủ bằng các phương pháp đấu tranh bất bạo động chống lại Milosevic. Khi Milosevic thực hiện việc thanh trừng sắc tội tại Kosovo, NATO đã thực hiện chiến dịch không kích Séc-bia cho đến khi Milosevic ngưng, nhưng vẫn nắm quyền lực. Cuối cùng vào năm 1999, Hoa Kỳ và các định chế tại Châu Âu mới đưa ra sự hỗ trợ tương đối nhưng tập trung để hỗ trợ các nhóm đấu tranh đòi dân chủ bất bạo động tại Séc-bia, với kết quả là hạ bệ được Milosevic.

Những gì mà thương lượng ngoại giao và không kích không đạt được – xóa bỏ hoàn toàn tình trạng khủng bố trong khu vực do chế độ Milosevic gây ra – thì lại đã đạt được thông qua đấu tranh bất bạo động. Hỗ trợ của Hoa Kỳ và Châu Âu giành cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Séc-bia tuy không phải là lý do cơ bản cho thành công, nhưng rõ ràng là có các tác dụng. May mắn thay, nhiều nhà chính trị tại một số quốc gia nay đã nhìn nhận được vấn đề này và thức tỉnh trước thực tế rằng những cuộc đấu tranh bất bạo động lại thường đem lại các kết quả thay đổi dân chủ hữu hiệu, qua đó giúp cho việc bảo đảm nền hòa bình bền vững. Điều này có khả năng sẽ thay đổi bản chất của các hoạt động và chính sách gìn giữ hòa bình trên thế giới.

8. Các chính phủ và tổ chức phi chính phủ có thể làm những gì để hỗ trợ những phong trào bất bạo động?

Chính phủ tại các quốc gia dân chủ và các tổ chức quốc tế cần hình thành một cơ chế tiếp cận đầy đủ và minh bạch để hỗ trợ (nhưng không phải điều khiển hay can thiệp vào) cho các phong trào đấu tranh bất bạo động dân sự. Cấu thành cơ bản của cách tiếp cận này là cần phải giúp cho quá trình:

- Trao đổi quảng bá kiến thức phổ cập cho người dân tại các quốc gia đang còn nằm dưới sự áp chế về   tác dụng của quá trình đấu tranh dân sự và cách mà quá trình này có thể được lên kế hoạch chiến lược thực hiện. Việc này có thể được thực hiện bằng cách hỗ trợ tài chính cho các cố gắng độc lập để có được những công cụ, thiết bị hay đào tạo về đấu tranh bất bạo động giành cho các nhóm đấu tranh.

- Sức ép quốc tế đối với các thể chế độc tài phải được gia tăng đồng thời truyền thông quảng bá thông tin cũng phải được mở rộng. Điều này sẽ giúp tuyên truyền và bảo vệ quyền cho những ai tham gia và những phong trào đấu tranh bất bạo động cũng như những người phải đối mặt với đàn áp tù tội.

9. Vì sao thành công của các cuộc cách mạng bất bạo động chưa được đánh giá cao và áp dụng rộng rãi?

Phần lớn người ta được dậy rằng quyền lực đi từ quyết định của các lãnh đạo chính phủ, tập đoàn kinh tế, hay các tổ chức lớn, hay đi từ những đe dọa sử dụng hay thực tế sử dụng sức mạnh bạo lực. Vì thế người ta thường không hiểu được rằng khi các công dân tại một thành phố, một khu vực hay một quốc gia tổ chức hóa và tập hợp lại thì họ sẽ có khả năng đem lại sức mạnh to lớn và do đó thay đổi đáng kể.

Một số trí sĩ, tổ chức và các thành viên của giới truyền thông luôn đưa ra luận điểm củng cố niềm tin của họ rằng quyền lực chỉ đi từ những lãnh đạo cầm quyền, hay bạo lực, bởi vì đó chính là những gì họ thường xuyên nói và viết tới. Điều này tạo ra sự hiểu lầm rằng hành động bạo lực hay vũ trang của những thành phần cách mạng hay thậm chí những kẻ khủng bố mới là hình thức mạnh mẽ nhất để chống lại sự áp chế. Thực tế là trong vòng 100 năm vừa qua, đã có những kẻ độc tài khát máu hay thậm chí những thế lực quân sự bị vô hiệu hóa hay xóa bỏ bởi những phong trào áp dụng chiến lược bất bạo động.

10. Các phong trào bất bạo động có cần những nhà lãnh đạo thần thánh như Gandhi hoặc Martin Luther King hay không?

Các phong trào bất bạo động không nhất thiết phải được lãnh đạo bởi các nhân vật thần thánh siêu việt như Gandhi hay Martin Luther King, Jr.

Tuy rằng tính chất lãnh tụ có thể là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nhiều chính là khả năng của bản thân phong trào hay tập hợp lãnh đạo của phong trào có được tư duy chiến lược rõ ràng và đưa ra các quyết định đúng đắn đối với việc thành bại. Ví dụ, những sinh viên Trung Quốc trong nhóm lãnh đạo cuộc biểu tình tại Thiên An Môn trước đây đều có các khả năng cá nhân đáng kể nhưng cuộc đấu tranh của họ bị thất bại vì đã không hình thành được một chiến lược sẽ làm gì khi Chính phủ Trung Quốc từ chối các yêu sách của phong trào.

Đôi khi việc dựa vào một nhân vật mang tính lãnh tụ hay biểu tượng duy nhất lại có hại cho phong trào – vì nếu người lãnh đạo này bị bắt, bị tha hóa, sợ hãi, hoặc đưa ra quyết định sai lầm. Các phong trào thực hiện chính sách ẩn lãnh tụ hay phi tập trung hóa lãnh đạo thường lại có nhiều ưu điểm hơn. Ví dụ, các lãnh đạo phong trào phản kháng Đan Mạch chống lại ách chiếm đóng của Phát xít Đức trong Thế chiến II hoàn toàn giữ danh tính bí mật. Phong trào dân chủ Séc-bia lật đổ Slobodan Milosevic hồi năm 2000 cũng vận hành cơ bản theo phương thức phi tập trung lãnh đạo hóa và thực tế cũng không có cá nhân lãnh đạo chính nổi bật nào.

Sự thành công trong công cuộc lãnh đạo nhân dân Ấn Độ chống ách đô hộ Anh Quốc của Thánh Gandhi thực ra không hoàn toàn dựa vào hình tượng lãnh tụ của ông mà là do những chiến dịch đấu tranh liên tục đã vận động được người Ấn thuộc mọi tầng lớp tham gia để đứng lên làm chủ vận mệnh cuộc sống của mình trong lúc làm giảm dần các giá trị và ích mà người Anh có được khi cố gắng ghìm giữ Ấn Độ làm thuộc địa của mình.

Về trường hợp của Martin Luther King, Jr., thì ông thực sự là nhà hùng biện tài giỏi, nhưng thực tế năng khiếu đó cũng sẽ không có tác dụng nhiều nếu những người tham gia phong trào đấu tranh không nhận thức được rằng người Mỹ gốc Châu Phi cùng những đồng minh trong xã hội của mình cần gây sức ép lên hệ thống phân biệt chủng tộc, trong khi có các hành động để ảnh hưởng tới những lợi ích kinh tế và chính trị đối với hệ thống này. 

Chuyển dịch: Wikibấtbạođộng
Nguồn: International Center for Nonviolent Conflict