1 tháng 2, 2012

Hung thần Putin lại vén màn ra sân khấu

0

Phan Hồng (Wikibấtbạođộng) - Ông Vladimir Putin, một chính trị gia 59 tuổi xuất thân từ tổ chức KGB thời Liên Sô, thủ tướng đương nhiệm của Cộng hoà Liên Bang Nga đồng thời cũng là chủ tịch đảng Nước Nga Thống Nhất (United Russia), một chính đảng nắm đa số ở Hạ Viện.

Sau khi Tổng Thống Boris Yeltsin từ chức năm 1999, ông đã liên tiếp đắc cử  và làm tổng thống hai lần từ năm 2000 đến năm 2008. Do hiến pháp quy định, ông không thể ứng cử lần thứ ba nhưng có thể ứng cử xen kẻ. Một dàn xếp chính trị nội bộ đã biến Putin thành thủ tướng từ năm 2008. Trước đó, chính Putin là người ủng hộ ông Dmitri Medvedev, một người thân cận, trung thành với ông làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống và đắc cử năm này. Ông Medvedev trong vai trò người lót đường, đã làm tròn nhiệm vụ của mình.

Hiện tượng dùng ông Medvedev giữ ghế cho mình là một màn đánh tráo chính trị trắng trợn không có gì khó thực hiện đối với một cựu nhân viên mật vụ như Putin. Medvedev và Putin đã trở thành một cặp đôi quyền lực của nước Nga thời hậu Cộng sản và họ tỏ ra có biệt tài tung hứng trên sân khấu chính trị của nước Nga, một nước Nga chưa bao giờ là một quốc gia dân chủ như người dân mong ước, sau khi Liên Sô sụp đổ.

Để thâu tóm quyền lực trong tay, Putin đã tái dụng các sĩ quan mật vụ cũ vào hầu hết các chức vụ trong chính phủ tạo thành nhánh quyền lực Siloviki có khả năng khống chế chính trị lẫn nền kinh tế quốc gia. Một thí dụ điển hình ngày 16/10/2010, viên thị trưởng Moscow Yuri Luzvkov bị cách chức vì “đánh mất sự tin tưởng của tổng thống”. Luzvkov là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng từ thời Liên Sô cũ, trong hàng lãnh đạo của đảng Nước Nga Thống Nhất nhưng không ăn cánh với Putin. Lập tức, chánh văn phòng Sergei Sobyanin cánh tay phải trung thành của Thủ Tướng Putin được đề cử thay thế. 

Putin còn đi xa hơn trong tham vọng độc quyền của mình bằng cách cho phép dùng biện pháp khủng bố để bịt miệng những tiếng nói độc lập. Trong năm 2010 đã có 8 ký giả bị giết hại ở Nga. Người ta cũng không quên vào tháng 10 năm 2006, nữ ký giả Politkovskaya của tờ báo đối lập Novaya Gazeta đã bị bắn chết thê thảm trên đường phố Moscow. Năm 2008, ký giả Mikhail Beketov vì viết báo chỉ trích tham nhũng mà bị đánh gần chết, đến nay phải ngồi xe lăn.

William Browder, người đứng đầu cơ quan  cố vấn đầu tư Hermitage Capital Management có trụ sở ở London, là nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất ở nước Nga. Ông bị trục xuất năm 2005, đã phê phán sự tham nhũng ở Nga “là tồi tệ gấp nhiều lần ở các nơi khác.” Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) đã đặt nước Nga gần dưới cùng của chỉ số tham nhũng, hạng 154 trên 178 quốc gia được khảo sát. Browder đang dẫn đầu một chiến dịch quốc tế để đạt được công lý cho Sergei Magnitsky, một luật sư 37 tuổi của Hermitage Capital đã chết trong khi bị giam giữ, sau khi Magnitsky khám phá bằng chứng là cảnh sát, quan tòa và các ngân hàng đã thông đồng với các quan chức nhà nước để ăn cắp 230 triệu USD tiền thuế của Hermitage trả cho chính phủ Nga. Magnitsky chết tháng 11/2009 sau khi bị giam trong nhà tù Moscow 11 tháng không xét xử. Luật sư Magnitsky chết vì biết quá nhiều!

Quyền lực của Putin cũng được sử dụng để triệt hạ các đối thủ kinh tế khác với phe cánh mình để chiếm độc quyền, dễ dàng khuynh loát thị trường. Điển hình là vụ triệt hạ Tập đoàn dầu khí Yukos năm 2003, bắt giam Tổng Giám Đốc Mikhail Khodorkovsky về tội trốn thuế. Khodorkovsky và người đồng sự Platon Lebedev bị đưa ra tòa kêu án 9 năm tù.

Cũng giống như các nhà độc tài khác, Putin cũng tận dụng các phương tiện công lẫn tư để đánh bóng mình. Vào năm 2009 hình ảnh một Putin “sexy” ở độ tuổi gần 60, cởi trần khoe ngực trong lúc câu cá, bơi lội, chèo thuyền được báo chí truyền hình trong ngoài nước Nga rầm rộ khai thác. Ngay cả một trang web lá cải ở Hollywood cũng cười cợt “Người đàn ông 56 tuổi đã khoe vũ khí hủy diệt của mình, còn được gọi là cặp vú, bằng cách ở trần cởi ngựa. Khi nhìn các bức hình mới chụp của Putin, một số bác sĩ thẩm mỹ tin là ông ta có chích botox cho thẳng da mặt! Có thể ông Putin muốn nhắn khéo với người dân Nga rằng ông đủ khả năng để “hy sinh” một lần nữa trong chức vụ tổng thống đến năm 2024 chăng?

Từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều lời đồn đoán được tung ra với câu hỏi liệu Thủ Tướng Putin có ra tranh cử chức vụ tổng thống đầu năm 2012 hay không và số phận ông Medvedev ra sao? Và rồi “sự trở lại của Vladimir Putin” đã được xác định trong đại hội toàn thể của đảng Nước Nga Thống Nhất: đảng đã giới thiệu Thủ Tướng Putin làm ứng cử viên tổng thống chính thức trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2012.

Liền sau đó ông Putin đã tuyên bố sẽ chọn tổng thống hiện nay là Dmitri Medvedev làm người đứng đầu chính phủ Liên Bang Nga vào năm 2012! Bình luận về việc này, cựu thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov chua chát nói: “Tin đó nói lên rằng quý vị này nhạo báng tất cả chúng ta và công nhiên diễn trò xiếc.” 

Sự thay đổi cán cân quyền lực từ năm 1991 ở Liên Sô, bản chất chỉ là từ một cuộc đảo chính của quân đội nước này. Xã hội dưới thời cộng sản và nước Nga sau nầy chưa bao giờ có cơ hội thiết lập được nền tảng đủ để phát triển nhanh chóng một xã hội dân chủ để chuyển phần lớn quyền lực về tay người dân. Sau ngày Liên Sô sụp đổ, đa số các quốc gia trong Liên Bang Sô Viết - trừ Ukrana và Georgia – không có quốc gia nào tỏ ra chú trọng tới việc tận dụng tình hình trong khi các thế lực độc tài mới còn rụt rè hoặc chỉ mới manh nha xuất hiện để gấp rút xây dựng và phát triển xã hội dân sự làm nền tảng cho một chế độ dân chủ bền vững.

Hậu quả của thiếu sót này có thể thấy được trong 12 năm cầm quyền của ông Putin dù ở ghế tổng thống hay giật dây sau hậu trường. Chính sự yếu ớt của các tổ chức xã hội đã cho phép chính quyền từ từ bước vào con đường chuyên chế, hoài niệm về sức mạnh không có thật của một cường quốc cũ và quay ra công kích các nước phương Tây để đánh lạc hướng công luận nhân danh lòng tự hào dân tộc. Trong khi đó, trên cả nước truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, đối lập bị trấn áp, nhà báo bị thủ tiêu. Một xã hội thiếu dân chủ hình thành, đi ngược lại ước vọng của nhân dân Nga sau nhiều thập kỷ dưới chế độ cộng sản.

Grigory Yavlinsky và Boris Nemtsov, hai người nổi bật nhất trong số các chính trị gia đối lập, trong một diễn đàn hàng năm của cựu Tổng Thống Vaclav Havel ở thủ đô Prague, đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về một nước Nga tham nhũng và độc tài và chỉ ít tàn nhẫn hơn một cấp so với thời kỳ Sô Viết trước đây mà thôi.

Ông Yavlinsky nói rằng nước Nga giờ đây chẳng những không có một quy định pháp luật nào và cũng chẳng có được quyền sở hữu. “Ngành tư pháp, ông Yavlinsky nói, bị kiểm soát bởi các tầng lớp cầm quyền và tiền bạc.” Lãnh tụ Đảng Nhân Dân Tự Do, ông Nemtsov, cho biết bằng cách dàn xếp để trở lại chức vụ tổng thống, Vladimir Putin “đã quyết định trở thành tổng thống suốt đời.” Ông cáo buộc ông Putin “duy trì một chế độ chuyên chế để bảo vệ tham nhũng.” Những bạn bè của Putin, ông nói tiếp, đã cướp bóc tài sản nhà nước và ký gởi những tài sản phi pháp này ở nước ngoài một cách an toàn. Đó là cách mà ông Putin dùng để duy trì quyền hành độc tôn: cho phép tham nhũng để mua sự trung thành của cấp dưới. Ông Nemtsov, cựu phó thủ tướng Nga từ 1997 đến 1998, đã bị bắt ba lần trong năm nay. Điện Kremlin sau đó kiếm cớ từ chối, không cho đảng của ông đăng ký, và như vậy ông không thể tranh cử vào Hạ Viện Nga .

Cả hai chính trị gia đối lập này nói các kết quả của cuộc bầu cử vào quốc hội và chức vụ tổng thống vào tháng 3/2012 tới đã được biết ngay từ bây giờ. “Mọi người đều biết ai sẽ thắng.” Ông Nemtsov gọi quyết định của ông Putin hồi tháng 9 trở lại chức tổng thống sau 4 năm làm thủ tướng là một quyết định “ích kỷ, đạo đức giả và ô nhục.”

Thực tế hiện nay không tốt đẹp như thời kỳ đầu tiên khi Putin lên làm tổng thống, khi ông mơ ước trở thành một “người hùng” có khả năng vực dậy một đế quốc Nga đã tàn lụi sau vụ xâm chiếm Chechnya năm 1999. Nước Nga chủ yếu dựa vào nguồn dự trữ dấu hỏa, nhưng khi dầu hỏa xuống dưới 40 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2009, dự trử ngoại tệ thiếu hụt đẩy nền kinh tế vào con đường khủng hoảng. Trong lúc đó, ngôi sao của vị “sa hoàng” mới gốc KGB mờ dần và từ từ lộ rõ thành tích vi phạm nhân quyền trước thế giới. 

Đối với âm mưu trở lại của Putin, thực sự không làm ai hài lòng kể cả nhân vật lót đường Medvedev, vị tổng thống đương nhiệm, người không phải là không có tham vọng trong đảng Nước Nga Thống Nhất. Nhưng trước mắt sau khi lên làm tổng thống năm 2012, ông Putin có cơ hội tồn tại đến năm 2020 và viễn ảnh một nước Nga dân chủ thật xa vời.

Nhưng không hẳn tất cả người dân Nga đều bị Putin bịt mắt hay quá sợ chính quyền độc tài. Kết quả cuộc bầu cử vào Hạ viện Nga hôm 4/12 vừa qua cho thấy những suy nghĩ thật của họ. Đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin chỉ chiếm được hơn 49% phiếu cử tri, so với 64% trong kỳ bầu cử lần trước, mất 88 ghế trong viện Duma. Trong lúc đó, người dân Nga cũng trưng dẫn hàng ngàn bằng chứng gian lận bầu cử tràn ngập bởi hệ thống công an, mật vụ và cái gọi là “dân chúng tự phát” của chính phủ Putin. Một nhà báo Việt Nam sống tại thủ đô Moscow cho biết trong ngày bầu cử, có 40,000 đoàn viên thanh niên Sashi của đảng Nước Nga Thống Nhất đã được đưa đến đây, nói là để giúp giữ trật tự. Có ai biết được họ bỏ phiếu mấy lần và bỏ phiếu tại đâu?

Sau đó nhiều cuộc biểu tình sôi sục chống gian lận bầu cử của dân Nga nổi lên, có lúc lên đến gần 50,000 người. Chính quyền không thể chối cãi và Tổng thống Medvedev đành phải lên tiếng sẽ ra lệnh điều tra về những cáo buộc gian lận. Còn Thủ tướng Putin thì tuyên bố sẽ cho gắn webcam tại nhiều địa điểm bỏ phiếu trong kỳ bầu cử tới để ngăn ngừa gian lận! Sau 2 tuyên bố đó, người ta không thấy hành động cụ thể nào khác.

Tuy nhiên, công luận quốc tế hiện nay đã quá rành rẽ và nhìn xuyên suốt qua những thủ thuật này. Như ông Kenneth Roth, Giám đốc của Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nói: “Dân chủ đòi hỏi bầu cử tự do, nhưng bên cạnh đó phải có báo chí tự do, quyền được biểu tình, hội họp và một xã hội dân sự.” Ai cũng hiểu những cái webcam của ông Putin chỉ thêm một trò bịp dân chủ của chính quyền Nga. Quả thực ông Putin là “một nhà độc tài tinh ranh, dùng bình phong dân chủ để che giấu hành động chuyên chế của mình” trong khi tỏ ra tôn trọng hiến pháp hơn ai hết.

Tình hình hiện nay ở nước Nga cho người Việt Nam chúng ta nhiều bài học quý giá, đặc biệt là bài học về nhu cầu phát triển một xã hội dân sự. Người Việt cần chia xẻ với nhau những ý niệm này ngay từ bây giờ và gấp rút bắt tay vào việc xây dựng xã hội dân sự ngay khi có cơ hội, dù nhỏ hay lớn. Không có một xã hội dân sự vững mạnh, không thể kéo quyền lực về tay người dân để đặt nền móng dân chủ bền vững cho đất nước. Nói cách khác, không có xã hội dân sự, đất nước sẽ cứ vất vưởng từ tay thế lực độc tài này sang tay phe nhóm chuyên quyền khác.

Phan Hồng 
(BBT Wikibấtbạođộng)

0 comments:

Đăng nhận xét