5 tháng 12, 2011

Trò chuyện về đấu tranh bất bạo động (BBC Việt ngữ)

0

Đấu tranh không dùng bạo lực - như một phương cách phản đối, kháng cự hoặc can thiệp - là hiện tượng mang tính phổ quát, xảy ra nhiều trong lịch sử nhân loại.

Cách đấu tranh này có thể tiến hành qua các hình thức như viết báo, thư ngỏ, bất hợp tác, đình công…

Tại Việt Nam, nhiều người bất đồng chính kiến và đối lập hiện nay cũng nói họ đấu tranh theo phương cách bất bạo động.

Nhưng đấu tranh bất bạo động có hiệu quả đến đâu, trong những hoàn cảnh nào?

Gene Sharp, người sáng lập Viện Albert Einstein ở Boston, đã viết nhiều sách về đấu tranh không dùng bạo lực.

Đài BBC hỏi ông vì sao ông cho rằng phương thức này có thể có hiệu quả.

Gene Sharp: Điều này còn tùy vào từng tình huống cụ thể. Ví dụ, trong những tình huống khắc nghiệt, khi quân đội được dùng để đàn áp dân chúng, những người lính có thể không muốn làm theo chỉ thị. Họ có thể chỉ bắn chỉ thiên, hoặc bỏ quân phục, gia nhập hàng ngũ quần chúng.

Hay một ví dụ khác về phương thức đấu tranh kinh tế, một sự tẩy chay có thể làm tê liệt nền kinh tế. Khi người dân không làm theo lời của chính quyền, chính quyền có thể không thi hành được ý muốn của mình. Có những hoàn cảnh khi mà các biện pháp này được áp dụng. Chúng có thể không thành công trong một số hoàn cảnh, nhưng nếu được hoạch định kỹ lưỡng, chúng có thể có cơ hội thành công. Ví dụ chính quyền của Slobodan Milosevic ở Serbia. Mặc dù là một nhà độc tài khắc nghiệt, nhưng kết quả Milosevic cũng bị lật đổ bởi người dân.

BBC: Tuy vậy, nhiều người cũng cho rằng đấu tranh bất bạo động chỉ thành công trước các đối thủ là chính quyền trong một đất nước đã có các định chế dân chủ?

Đó là một huyền thoại – nhiều người tin như thế, nhưng không chính xác. Nếu ta nhìn lại các nước Đông Âu và Baltic, tình hình những nơi này đã biến đổi mặc dù có chính quyền cộng sản bản địa ở đó, cộng thêm quân đội Liên Xô và mật vụ KGB. Phương thức đấu tranh bất bạo động đã chứng tỏ có thể hiệu nghiệm trước các chính quyền cộng sản.

BBC: Thế còn các trường hợp châu Á như Việt Nam và Trung Quốc? Ông có nghĩ rằng đấu tranh bất bạo động phụ thuộc vào môi trường văn hóa không?

Dĩ nhiên nó chịu ảnh hưởng. Tuy vậy, không có nghĩa là một số hình thức hành động không hiệu nghiệm nếu đặt trong một nền văn hóa khác. Một số hình thức đấu tranh bất bạo động có nguồn gốc châu Á. Lấy ví dụ là tẩy chay kinh tế. Gandhi thừa nhận ông học kỹ thuật này từ người Trung Quốc.

Các hình thức đấu tranh bất bạo động không phải lúc nào cũng thành công, nhưng đôi khi nó thành công. Ta cũng có thể nói một điều tương tự về bạo lực. Có nhiều trường hợp bạo lực thất bại, nhưng không có nghĩa là bạo lực không bao giờ thành công. Tranh đấu bất bạo động có thể thành hay bại phụ thuộc vào khả năng của những người thực hiện nó.

BBC: Tức là mức độ thành bại phụ thuộc vào khả năng của các nhà hoạt động?

Rất phụ thuộc. Nhiều cuộc đấu tranh bất bạo động đã bị phí hoài bởi những người không hiểu rõ mình đang làm gì.

BBC: Nhưng ông cũng cho rằng dạng thức đấu tranh này không cần có lãnh đạo lôi cuốn. Nhiều người lại nghĩ tại một số nước, phe đối lập yếu thế chính vì họ chia rẽ và không có một lãnh đạo có khả năng thu hút quần chúng.

Tôi nói như vậy bởi vì trong nhiều trường hợp, đã không có lãnh đạo có sức lôi cuốn. Cuộc cách mạng Nga 1905 suýt nữa đã lật đổ chính quyền Nga hoàng, và ta không thể nêu ra ai là lãnh đạo. Nhận xét này rất quan trọng.

Nếu người ta phụ thuộc vào một lãnh đạo nào đó, xem người đó như vị cứu tinh, và nếu nhà lãnh tụ ấy thất bại, hoặc trở nên tha hóa hay bị giết, cả phong trào sẽ sụp đổ. Nhưng nếu người dân hiểu được tính chất cuộc đấu tranh, làm thế nào đấu tranh hiệu quả, vì sao họ cần kiên định ngay cả khi bị đàn áp, thì cơ hội thành công sẽ lớn.

BBC: Ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc hay Cuba, theo ông, đâu là những đòi hỏi cần có để phương thức đấu tranh bất bạo động có thể thành công tại đó?

Tôi không biết cụ thể về tình hình ở các nước đó, nên không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nói chung, dựa trên những đặc điểm chung của đấu tranh bất bạo động và các ví dụ lịch sử, người ta có thể đặt giả thiết rằng phương thức này có thể thành công ở ba nước trên. Ví dụ ở Việt Nam đã từng có những cuộc tranh đấu do Phật giáo dẫn dắt.

Đòi hỏi thứ nhất là người ta phải hiểu rõ phương thức đấu tranh, và bằng cách nào có thể thực hiện nó cho hiệu quả. Kế hoạch lớn của họ là gì? Nhược điểm của chế độc toàn trị là gì? Mọi chế độ toàn trị đều có nhược điểm, và họ phải tìm ra. Rồi đâu là điểm mạnh trong dân chúng, bởi vì thông thường con người vẫn mạnh mẽ hơn là bản thân họ tưởng.

BBC: Còn mức độ hỗ trợ từ bên ngoài, một phong trào ở nội địa cần sự hỗ trợ ấy đến mức nào, khi mà các chính thể sẽ dùng nó để nói rằng họ là "tay sai ngoại bang"?

Đó là một lý do vì sao Gandhi đã phản đối sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ông ấy nói “chúng ta không những không cần nó, chúng ta không muốn nó.”

Đầu tiên phải xây dựng phong trào theo cách nào đó để anh tự dựa vào sức của mình. Rồi anh có thể cần thêm tiền, ví dụ để in biểu ngữ, điều đó cũng được. Nhưng đừng để người ngoài kiểm soát phong trào.


Nguồn: BBC Việt Ngữ

0 comments:

Đăng nhận xét